Đẩy mạnh xã hội hóa một số hoạt động thi hành án theo tinh thần Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị

Cần tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa một số hoạt động thi hành án theo tinh thần Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị, nhất là thực hiện thí điểm Thừa phát lại để tiến tới trình cơ quan có thẩm quyền cho triển khai chính thức

 

 

Đó là yêu cầu của đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương tại Hội nghị về công tác quản lý thi hành án các tỉnh phía Bắc diễn ra ngày 10/10/2013 tại Hà Nội.

 

Gắn kết trách nhiệm của Tòa án

 

Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc cho biết, thực hiện nhiệm vụ Bộ Chính trị giao, Ban Chỉ đạo cải cách Tư pháp Trung ương đã tổ chức nghiên cứu xây dựng Đề án “Về thực hiện việc quản lý công tác thi hành án”, chỉ đạo tổng kết 20 năm công tác thi hành án và quản lý thi hành án. Việc Ban Chỉ đạo cải cách Tư pháp Trung ương tổ chức Hội nghị các tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc để thảo luận, đóng góp ý kiến cho dự thảo Đề án nói trên.

 

Một trong những nội dung quan trọng của dự thảo Đề án về thực hiện việc quản lý công tác thi hành án là đánh giá thực trạng tổ chức, quản lý công tác thi hành án (gồm Thi hành án hình sự, dân sự và hành chính), trong đó nêu rõ những kết quả đạt được, cũng như hạn chế, vướng mắc và nguyên nhân. Từ đó đề ra các giải pháp đổi mới quản lý công tác thi hành án.

 

Theo bà Lê Thị Thu Ba, Phó trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo cải cách Tư pháp thì còn nhiều ý kiến khác nhau về mô hình quản lý công tác thi hành án, tuy nhiên theo Ban Chỉ đạo thì vẫn nên duy trì mô hình như hiện nay nhưng cần thực hiện một số vấn đề hoàn thiện tổ chức, quản lý công tác thi hành án.

 

Thứ trưởng Thường trực Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên tán thành nhiều nội dung quan trọng trong dự thảo Đề án. Tuy nhiên, đồng chí Hoàng Thế Liên, cần phải gắn kết trách nhiệm của Tòa án trong quá trình thi hành án. “Một phán quyết của Tòa án ra đời mà không thi hành được là công lý chưa được thực thi. Nếu không gắn kết trách nhiệm thì việc thi hành án sẽ gặp nhiều khó khăn, chẳng hạn một người đã bị kết án tử hình hay nghiện ma túy, tài sản không có gì mà tuyên phạt mấy chục triệu thì làm sao có thể thi hành”. đồng chí Hoàng Thế Liên ủng hộ quan điểm trong giai đoạn hiện nay nên giữ nguyên mô hình quản lý công tác thi hành án hiện tại.

 

Về việc án tuyên không tính đến khả năng thi hành của đương sự, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Sơn phân trần “Ở thời điểm đó, pháp luật quy định cứ án ma túy là phạt 20 triệu. Luật quy định rồi Tòa không tuyên không được”. Góp ý về mô hình quản lý công tác thi hành án, đồng chí Nguyễn Sơn cho rằng hiện việc quản lý án phạt tù rất nhiều khó khăn, phức tạp, vì vậy phần việc này vẫn nên giao cho ngành Công an.

 

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị - Nguyễn Đức Chính, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế Ngô Hòa và nhiều đại biểu khác cũng ủng hộ đề xuất của Ban Chỉ đạo cải cách Tư pháp là giữ nguyên mô hình quản lý thi hành án hiện tại và tiếp tục nghiên cứu trong thời gian tiếp theo nhưng cần quy định rõ ràng, cụ thể về trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp, của Ban Chỉ đạo Thi hành án trong công tác thi hành án, tăng cường vai trò của Hội đồng nhân dân trong giám sát hoạt động của thi hành án…

 

Rõ trách nhiệm của Ủy ban nhân dân

 

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc đánh giá dự thảo Đề án được chuẩn bị công phu, các ý kiến đóng góp tâm huyết và thẳng thắn. Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp sẽ ghi nhận, tiếp thu và xem xét để hoàn thiện dự thảo trình Bộ Chính trị.

 

Về phương hướng đổi mới quản lý công tác thi hành án, Phó Thủ tướng yêu cầu phải xác định rõ vai trò, trách nhiệm của Tòa án nhân dân - cơ quan thực hiện quyền tư pháp trong lĩnh vực Thi hành án… Tăng cường vai trò, trách nhiệm của tòa án trong việc theo dõi, kiểm soát, thống kê, giải thích, đính chính các bản án, quyết định đã được tòa án ra quyết định thi hành.

 

Bên cạnh đó, tiếp tục khẳng định vai trò của Chính phủ trong việc thống nhất quản lý nhà nước về thi hành án. Trong đó: Bộ Công an tiếp tục chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về thi hành án hình sự; Bộ Tư pháp tiếp tục chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về thi hành án dân sự và thi hành án hành chính; Bộ Quốc phòng phối hợp với Bộ Công an và Bộ Tư pháp quản lý công tác thi hành án trong Quân đội nhân dân; kiện toàn tổ chức quản lý công tác thi hành án trong quân đội (cả dân sự và hình sự) theo hướng tập trung thống nhất vào một đầu mối.  

 

Đồng thời, thực hiện phân cấp và xác định rõ trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh trong tổ chức, quản lý công tác thi hành án trên phạm vi địa phương.

 

Thời gian tới, theo Phó Thủ tướng cần tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa một số hoạt động thi hành án theo tinh thần Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị, nhất là thực hiện thí điểm thừa phát lại để tiến tới trình cơ quan có thẩm quyền cho triển khai chính thức.

 

Để làm tốt công tác quản lý thi hành án, Phó Thủ tướng yêu cầu cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế, đặc biệt là Luật thi hành án hình sự, Luật Thi hành án dân sự, Luật Thi hành án hành chính…;Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ làm công tác thi hành án. Quan tâm đến chế độ, chính sách, tăng cường năng lực, phẩm chất, đạo đức nghề cho đội ngũ cán bộ và tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ thông tin cho hệ thống cơ quan Thi hành án, nhất là cơ quan Thi hành án hình sự và dân sự.

 

Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp

CÁC BẢN TIN KHÁC