Cơ quan, ngân hàng phải hỗ trợ thừa phát lại

Ngày 18-10, Chính phủ đã ban hành nghị định 135/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan thẩm quyền lập vi bằng, xác minh điều kiện, tổ chức thi hành án, tống đạt giấy tờ của thừa phát lại đã được quy định tại nghị định 61/2009 trước đó. Nhiều vấn đề vướng mắc trong quá trình thi hành án, xác minh điều kiện thi hành của thừa phát lại được hướng dẫn cụ thể.

Nghị định quy định rõ: kho bạc nhà nước, bảo hiểm xã hội, cơ quan đăng ký quyền sử dụng đất, cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm, các cơ quan đăng ký tài sản khác và các tổ chức, cá nhân có liên quan phải thực hiện yêu cầu của thừa phát lại về xác minh tài sản thi hành án.

Theo các văn phòng thừa phát lại đang hoạt động tại TP.HCM, thời gian vừa qua thừa phát lại thường gặp khó khăn trong quá trình xác minh điều kiện thi hành án. Mặc dù nghị định 61/2009 quy định thừa phát lại có thẩm quyền xác minh tài sản của đương sự, tự tổ chức thi hành án (được hiểu là thi hành án tư) nhưng có tình trạng một số cơ quan nhà nước từ chối cung cấp thông tin về tài sản của đương sự cho thừa phát lại. Các cơ quan này cho biết chỉ cung cấp thông tin cho cơ quan thi hành án dân sự của nhà nước.

Liên quan đến thủ tục xác minh số tiền trong tài khoản ngân hàng của đương sự phải thi hành án, để khắc phục tình trạng vừa qua nhiều ngân hàng từ chối cung cấp thông tin, đề nghị phong tỏa tài khoản khách hàng của thừa phát lại, Nghị định giao Bộ Tư pháp chủ trì phối hợp với Ngân hàng Nhà nước để có hướng dẫn cụ thể hơn về vấn đề này.

Năm 2010, TP.HCM là địa phương đầu tiên thí điểm thừa phát lại. Đến nay tại TP.HCM có 8 văn phòng thừa phát lại hoạt động. HIện nay ngoài TP.HCM còn 12 tỉnh thành khác cũng đang thí điểm hoạt động của thừa phát lại.

Theo báo Tuổi trẻ TP.HCM

CÁC BẢN TIN KHÁC