Hội nghị Tổng kết thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại Thành phố Hồ Chí Minh

Ngày 03/8/2012, tại Hội trường Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Ủy ban nhân dân Thành phố tổ chức Hội nghị Tổng kết thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hội nghị có sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo Ủy ban Tư pháp Quốc hội, Văn phòng Trung ương Đảng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp và đại diện các cơ quan Trung ương; về phía Thành phố, có sự tham dự của Thường trực Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố, đại diện lãnh đạo các sở, ngành Thành phố, quận, huyện và tất cả các Thừa phát lại tại Thành phố và lãnh đạo các Sở Tư pháp thành phố Hà Nội, thành phố Đà Nẵng, tỉnh Đồng Nai. 

Thực hiện chủ trương cải cách tư pháp của Đảng và Nhà nước, sau hơn hai năm thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại Thành phố Hồ Chí Minh, bước đầu đã được những kết quả rất khả quan. Tổng doanh thu của 8 văn phòng Thừa phát lại là hơn 17,1 tỷ đồng sau 2 năm đi vào hoạt động, đặc biệt là số lượng vụ việc và doanh thu có chiều hướng gia tăng theo thời gian. Cụ thể, các văn phòng Thừa phát lại đã thực hiện tống đạt được 103.218 văn bản, đã lập và đăng ký tại Sở Tư pháp tổng cộng 5.020 vi bằng, thực hiện được 147 vụ việc xác minh điều kiện thi hành án và trực tiếp tổ chức thi hành được 26 vụ án.

 Qua đó, Bộ Tư pháp đánh giá việc triển khai thí điểm chế định Thừa phát lại trong thời gian qua đã đi đúng định hướng, quá trình thực hiện rất khẩn trương và quyết tâm. Quá trình triển khai thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại đã góp phần dân chủ hóa trong hoạt động tư pháp, qua đó gián tiếp làm giảm sự tranh chấp, “xung đột”, khiếu kiện của người dân đối với Nhà nước nói chung và cơ quan thi hành án dân sự nói riêng. Sự hiện diện của các văn phòng Thừa phát lại bên cạnh hệ thống cơ quan thi hành án dân sự của Nhà nước đã tạo điều kiện cho người dân được lựa chọn cơ quan, tổ chức để thi hành án một cách thích hợp và hiệu quả nhất. Đồng thời, sẽ tạo ra môi trường thi đua, cạnh tranh lành mạnh trong công tác thi hành án dân sự, tạo động lực to lớn nhằm thúc đẩy các cơ quan thi hành án dân sự của Nhà nước trong việc đổi mới phương thức hoạt động nhằm phục vụ tốt hơn cho người dân.

 Nhằm ghi nhận đóng góp của các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong quá trình triển khai thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Tư pháp đã trao tặng Bằng khen cho 08 tập thể và 08 cá nhân. 

Tại Hội nghị, lãnh đạo Thành phố và đại diện các cơ quan liên quan đã khẳng định sự ra đời của chế định Thừa phát lại đã góp phần đưa chủ trương xã hội hóa một số công việc thi hành án dân sự vào thực tiễn đời sống pháp luật. Qua kết quả đạt được bước đầu cho thấy, việc thí điểm chế định Thừa phát lại là chủ trương hoàn toàn đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Việc triển khai thí điểm chế định Thừa phát lại đã nhận được sự phối hợp tốt sự của các cơ quan có liên quan và sự ủng hộ rộng rãi của người dân Thành phố.

 Thực tiễn triển khai thí điểm chế định Thừa phát lại trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian qua cho thấy sự tham gia của chế định mới này chẳng những không làm cho hoạt động tư pháp bị xáo trộn mà còn góp phần bổ khuyết cho những hạn chế tự thân của hoạt động tư pháp, làm cho hoạt động tư pháp được phong phú và hoàn thiện hơn. Như vậy, có thể khẳng định rằng chế định Thừa phát lại đã mang lại nhiều lợi ích to lớn cho người dân và cả cho Nhà nước.

 Từ những kết quả đạt được cũng như vai trò, ý nghĩa, tác động tích cực của Thừa phát lại, Hội nghị đã thống nhất đề xuất Chính phủ trình Quốc hội xem xét cho tiếp tục thực hiện chế định Thừa phát lại trong thời gian tới và cần thiết nhân rộng mô hình này đến nhiều địa phương trong cả nước.

 Nguồn: Sở Tư pháp ( Phòng Bổ trợ tư pháp)3

 

 

CÁC BẢN TIN KHÁC