Kiến nghị thực hiện quyền phong tỏa tài khoản của thừa phát lại

Theo nghị quyết số 24/2008/NQQH12 của Quốc hội về Thí điểm chế định Thừa phát lại, từ năm 2010 TP.HCM đã thành lập các Văn Phòng Thừa phát lại (Thi hành án tư nhân) cũng có chức năng thi hành bản án như Cơ quan Thi hành án dân sự của nhà nước.

Theo quy định thì sau khi bản án xét xử có hiệu lực, ở những địa bàn có thành lập Văn Phòng Thừa phát lại thì đương sự có quyền lựa chọn Cơ quan Thi hành án dân sự của nhà nước hay Văn Phòng thừa phát lại để yêu cầu thi hành bản án.

Tuy nhiên, trong quá trình thi hành án vừa qua, các Văn phòng Thừa phát gặp khó khăn vì bị ngân hàng từ chối phong tỏa tài khoản, khấu trừ tiền trong tài khoản của đương sự để thi hành án.

Công văn số 5060/NHNN-PC của Ngân hàng nhà nước cho rằng Thừa phát lại không phải là cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật nên không thuộc đối tượng có quyền yêu cầu các tổ chức tín dụng phong tỏa tài khoản, trích chuyển tiền gửi của khách hàng (trừ khi khách hàng đồng ý).

Theo Sở Tư pháp TP.HCM, việc ngân hàng từ chối yêu cầu của Thừa phát lại là không đúng vì theo các nghị quyết của Quốc hội, Nghị định của Chính phủ quy định về thí điểm Thừa phát lại thì Thừa phát lại có thẩm quyền đề nghị Ngân hàng phong tỏa tài khoản, khấu trừ tiền trong tài khoản để thi hành án.

Sở Tư pháp đề nghị Bộ Tư pháp có chỉ đạo tháo gỡ các khó khăn trên cho hoạt động của các Văn Phòng Thừa phát lại.

Được biết, hiện nay TP.HCM có 8 Văn phòng Thừa phát lại đang hoạt động. Thực hiện Nghị quyết 36/2012/QH13, ngoài TP.HCM còn có 12 tỉnh thành khác cũng đã thí điểm lập Văn phòng Thừa phát lại.

Theo Báo tuổi trẻ online

CÁC BẢN TIN KHÁC