Tin tức & Sự kiện » Thừa phát lại - Ông là ai?

Đối với những người sinh ra hoặc trưởng thành sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, danh từ Thừa phát lại nghe vừa cũ kỹ, vừa khó hiểu, một từ Hán - Việt đã lâu không xuất hiện trong giao tiếp hàng ngày.

Không chỉ mù mờ về ngữ nghĩa của từ mà có lẽ cũng không mấy ai biết rõ về công việc cụ thể của người được mang chức danh là Thừa phát lại và một số văn phòng Thừa phát lại được thành lập và hoạt động tại TP.HCM trong vòng vài năm trở lại đây. Bài viết này phần nào giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và những tiện ích do Thừa phát lại đem lại cho xã hội.

Thừa phát lại là người được Nhà nước bổ nhiệm để làm các công việc về thi hành án dân sự, tống đạt giấy tờ, lập vi bằng và một số công việc khác. Đây là một ngành nghề trong xã hội. Thừa phát lại tương tự như chức mõ tòa (người giữ việc báo tin và thi hành các quyết định của tòa án trong xã hội cũ, có khi trông nom cả việc bán các động sản của Nhà nước).

Văn phòng Thừa phát lại là tổ chức hành nghề của Thừa phát lại. Tên gọi văn phòng Thừa phát lại bao gồm cụm từ “Văn phòng Thừa phát lại” và phần tên riêng liền sau (ví dụ: Văn phòng thừa phát lại Bình Tân).

Thừa phát lại là một chức vụ có từ thời Pháp thuộc. Từ thừa phát lại  là từ Hán Việt: thừa có nghĩa là thừa ủy quyền, thừa lệnh (nguyên nghĩa là chuyển tải); phát là phát ra, đưa đến;lại là một viên chức thực hiện lệnh của quan.

Người đứng đầu Văn phòng Thừa phát lại là Thừa phát lại và là người đại diện theo pháp luật của văn phòng Thừa phát lại. Văn phòng Thừa phát lại có trụ sở, con dấu và tài khoản riêng, hoạt động theo nguyên tắc tự chủ về tài chính.

Theo quy định tại Nghị định 61/2009/NĐ-CP ngày 24/7/2009 của Chính phủ, thì Thừa phát lại hiện nay có các quyền: thực hiện việc tống đạt theo yêu cầu của tòa án hoặc cơ quan thi hành án dân sự; lập vi bằng (lập các biên bản có giá trị pháp lý như: biên bản xác minh tài sản, biên bản hiện trạng nhà...); xác minh điều kiện thi hành án; trực tiếp tổ chức thi hành các bản án, quyết định của tòa án theo yêu cầu của đương sự (trừ các bản án, quyết định liên quan đến thu tiền, tài sản cho ngân sách nhà nước).

Dưới đây là một một số nội dung chính trong quyền của Thừa phát lại được pháp luật công nhận:

1. Lập vi bằng

Vi bằng là văn bản do Thừa phát lại lập, ghi nhận sự kiện, hành vi được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác. Thừa phát lại có quyền lập vi bằng đối với các sự kiện, hành vi theo yêu cầu của đương sự trừ các trường hợp vi phạm quy định về bảo đảm an ninh, quốc phòng, đời tư, đạo đức xã hội và các trường hợp pháp luật cấm.

Vi bằng chỉ ghi nhận những sự kiện, hành vi mà Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến; việc ghi nhận phải khách quan, trung thực. Trong trường hợp cần thiết Thừa phát lại có quyền mời người làm chứng chứng kiến việc lập vi bằng.

Trong các quyền của Thừa phát lại, vi bằng là một công việc tương đối mới và gần giống với hoạt động công chứng, nhưng rộng hơn.

Nếu công chứng chỉ chứng nhận tính xác thực, tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch... bằng văn bản, thì lập vi bằng là việc Thừa phát lại lập văn bản trong đó ghi nhận sự kiện, hành vi được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác.

Vi bằng có giá trị chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ án, là căn cứ để thực hiện các giao dịch hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

2. Trực tiếp thi hành bản án, quyết định theo yêu cầu của đương sự

Thừa phát lại được quyền trực tiếp tổ chức thi hành án theo đơn yêu cầu của đương sự đối với các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật.

Thừa phát lại có thể tổ chức thi hành các vụ việc ngoài địa bàn quận, huyện nơi đặt văn phòng Thừa phát lại nếu đương sự có tài sản, cư trú hay có các điều kiện khác ngoài địa bàn quận, huyện nơi đặt văn phòng Thừa phát lại.

Khi thực hiện công việc về thi hành án dân sự, Thừa phát lại có quyền như Chấp hành viên của cơ quan Thi hành án nhà nước – trừ thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.

3. Xác minh điều kiện thi hành án dân sự

Thừa phát lại có quyền xác minh điều kiện thi hành án liên quan đến việc thi hành án mà vụ việc đó thuộc thẩm quyền thi hành của các cơ quan thi hành án dân sự.

Về thủ tục, việc xác minh điều kiện thi hành án được tiến hành bằng văn bản yêu cầu hoặc trực tiếp xác minh. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện yêu cầu củaThừa phát lại và chịu trách nhiệm về nội dung thông tin đã cung cấp.

Trong trường hợp cần thiết, Thừa phát lại có quyền mời cơ quan chuyên môn hoặc chuyên gia để làm rõ các nội dung cần xác minh. Các quy định khác về thủ tục xác minh điều kiện thi hành án thực hiện theo quy định của pháp luật về thi hành án.

Người được thi hành án có quyền dùng kết quả xác minh điều kiện thi hành án của Thừa phát lại để yêu cầu thi hành án. Cơ quan thi hành án dân sự, văn phòng Thừa phát lại có thẩm quyền thi hành án vụ việc căn cứ kết quả xác minh để tổ chức thi hành án.

Người được thi hành án, người phải thi hành án, người có quyền, lợi ích liên quan đến việc thi hành án thỏa thuận với Trưởng văn phòng Thừa phát lại về việc xác minh điều kiện thi hành án.

4. Tống đạt văn bản của cơ quan thi hành án dân sự và tòa án

Tống đạt là việc thông báo, giao nhận các văn bản của Tòa án và Cơ quan thi hành án dân sự do Thừa phát lại thực hiện theo quy định của pháp luật. Trưởng văn phòng Thừa phát lại có thể giao thư ký nghiệp vụ Thừa phát lại thực hiện việc tống đạt, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận việc tống đạt phải do chính Thừa phát lại thực hiện.

Thủ tục thực hiện việc thông báo về thi hành án dân sự thực hiện theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự. Thủ tục thực hiện việc tống đạt văn bản của Tòa án thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng.

Văn phòng Thừa phát lại phải chịu trách nhiệm trước Tòa án, Cơ quan thi hành án dân sự về việc tống đạt thiếu chính xác, không đúng thủ tục, đúng thời hạn của mình; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định.

Trong Tổng kết thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường chỉ rõ: Việc thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại là một giải pháp mang tính đột phá nhằm thực hiện chủ trương xã hội hóa một số hoạt động tư pháp đã được Đảng, Nhà nước đề ra trong những năm qua.

Trên thực tế, sự ra đời của Thừa phát lại đã giúp ích rất nhiều cho mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội, đặc biệt là các doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM thời gian qua.

Ở vào thời điểm mà nền kinh tế đang trong giai đoạn khủng hoảng, sản xuất đình đốn, nhiều doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, thậm chí phá sản, hiện tượng tranh chấp về tài sản, lừa đảo, chiếm dụng vốn… xảy ra ngày càng nhiều thì hoạt động của Thừa phát lại sẽ giúp người dân chủ động hơn trong các quan hệ dân sự, tố tụng dân sự, hành chính, nhất là việc lập vi bằng, tạo lập chứng cứ làm cơ sở cho việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong tố tụng và thực hiện giao dịch khác là rất cần thiết.

Dưới góc độ xã hội, hoạt động Thừa phát lại bước đầu đã tạo ra một nghề mới trong thị trường cung cấp dịch vụ pháp lý, dịch vụ hành chính – tư pháp, góp phần làm giảm tải cho công việc của cơ quan tư pháp, phần nào xóa bỏ tình trạng độc quyền trong thi hành án, hạn chế tiêu cực, tăng cường hiệu quả của công tác thi hành án.

 

THU THỦY

Nguồn: Doanh nhân Sài Gòn

 

 

CÁC TIN TỨC KHÁC