Sẽ có các chức danh tư pháp mới

TAND Tối cao vừa phối hợp với Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi). Nhiều điểm mới đáng chú ý như sẽ có các chức danh tư pháp mới, mở rộng nguồn tuyển chọn
thẩm phán…

Theo dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi), ngành tòa án sẽ có thêm các chức danh tư pháp mới như trợ lý thẩm phán, trợ giúp viên tư pháp về gia đình và người chưa thành niên...

Giúp việc cho thẩm phán

Theo TAND Tối cao, luật mới sẽ chỉ quy định mang tính nguyên tắc về nhiệm vụ của trợ lý thẩm phán, trợ giúp viên tư pháp về gia đình và người chưa thành niên vì đây là những chức danh giúp việc cho thẩm phán. Còn những nhiệm vụ cụ thể của trợ lý thẩm phán, trợ giúp viên tư pháp về gia đình và người chưa thành niên sẽ được quy định chi tiết trong các luật tố tụng...

PGS-TS Phạm Duy Nghĩa đồng tình với việc bổ sung chức danh trợ lý thẩm phán như trên. Ông góp ý thêm là nên xem xét hạn chế và tiến tới chấm dứt việc chuyển ngạch từ thư ký tòa án lên thẩm phán mà thay vào đó là bổ sung chức danh trợ lý thẩm phán.

Còn theo luật sư Trương Trọng Nghĩa (Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam), luật mới cũng cần phải xác định rõ hội thẩm nhân dân là một chức danh tư pháp trong tòa án bởi hội thẩm là người tham gia xét xử, thực hiện quyền tư pháp. Cạnh đó, cũng cần làm rõ khái niệm “ngang quyền” giữa hội thẩm và thẩm phán khi xét xử vì quy định hiện hành đã cho thấy nhiều khiếm khuyết, bất hợp lý.

Theo dự thảo, sẽ có chức danh trợ lý thẩm phán trước khi được xét làm thẩm phán chính thức. Ảnh: HTD

 

Mở rộng nguồn tuyển chọn thẩm phán

Theo dự thảo, người trúng tuyển kỳ thi tuyển chọn thẩm phán quốc gia sẽ được chánh án TAND Tối cao bổ nhiệm làm trợ lý thẩm phán (người dự tuyển có thể là công chức, viên chức tòa án hoặc tham gia công tác pháp luật ngoài tòa án như luật sư, luật gia hoặc những người có trình độ cử nhân luật đang công tác, học tập ở các cơ quan, tổ chức khác). Sau một thời gian làm trợ lý thẩm phán, tùy thuộc vào phẩm chất đạo đức cũng như kinh nghiệm công tác, trợ lý thẩm phán sẽ được tuyển chọn, bổ nhiệm làm thẩm phán chính thức.

Bên cạnh nguồn trợ lý thẩm phán, người đã có thời gian thực tiễn làm công tác tòa án, chưa được bổ nhiệm làm trợ lý thẩm phán nhưng trúng tuyển kỳ thi tuyển chọn thẩm phán quốc gia thì cũng được xem xét, đề nghị bổ nhiệm thẩm phán.

Dự thảo đề xuất thành lập Hội đồng tuyển chọn thẩm phán quốc gia để tổ chức các kỳ thi tuyển chọn thẩm phán và tuyển chọn người đủ tiêu chuẩn, điều kiện để đề nghị bổ nhiệm thẩm phán trong phạm vi toàn quốc. Việc này nhằm bảo đảm chất lượng đồng đều của thẩm phán được bổ nhiệm, đáp ứng yêu cầu luân chuyển, điều động, biệt phái thẩm phán giữa các tòa, khắc phục những hạn chế, bất cập trong hoạt động của các hội đồng tuyển chọn thẩm phán hiện nay.

Thẩm phán tòa tối cao làm việc đến 70 tuổi

Điều 64 dự thảo quy định các thẩm phán TAND Tối cao được làm việc đến 70 tuổi, thẩm phán khác là 65 tuổi (không phân biệt nam, nữ). Đồng thời, nhiệm kỳ đối với các thẩm phán TAND Tối cao là vĩnh viễn, còn các thẩm phán khác cũng có phương án đề xuất kéo dài đến khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác.

Thẩm phán Phạm Công Hùng (Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM) nhận xét việc kéo dài thêm tuổi làm việc của thẩm phán sẽ khắc phục được phần nào việc thiếu nhân lực trong ngành tòa án hiện nay. Điều này phù hợp với yêu cầu thực tiễn là cần những người có kinh nghiệm làm công tác xét xử.

Tuy nhiên, ông Hùng phân tích thêm Bộ luật Lao động quy định tuổi nghỉ hưu của nam là 60, nữ là 55 là đã trải qua một quá trình nghiên cứu tổng kết thực tiễn về mặt tâm sinh lý, sức khỏe người lao động và các tổng kết khác về mặt xã hội trong điều kiện của đất nước. Thẩm phán cũng là người lao động trí óc, vì vậy ban soạn thảo cần cân nhắc, đưa vào dự thảo nội dung này theo hướng quy định việc kéo dài tuổi thẩm phán chỉ là quy phạm tùy nghi. Quy phạm này chỉ áp dụng trong trường hợp thẩm phán còn đủ sức khỏe, năng lực và tâm huyết với nghề, có yêu cầu làm thêm sau khi đã đủ tuổi nghỉ hưu theo Bộ luật Lao động và tòa án nơi thẩm phán công tác có yêu cầu sử dụng thẩm phán đó. Trong trường hợp cả hai không có yêu cầu kéo dài tuổi nghỉ hưu của thẩm phán thì thẩm phán được nghỉ hưu theo quy định của Bộ luật Lao động.

HOÀNG YẾN

Theo báo pháp luật

CÁC BẢN TIN KHÁC